A piece of dream

– cơ hội trò chuyện với chính mình – ngoài cửa sổ là thế giới vô tận

Bạn đang chạm vào góc nào của giấc mơ?

(bài viết mang tính chất học hỏi cá nhân, không dùng để cung cấp thông tin hay giải thích cho bất cứ điều gì)

Ngẫu nhiên cầm quyển Giải mã giấc mơ trên bàn- đây là góc nhìn của 1 vị tiên sinh có lời giới thiệu cá nhân như sau:

Tôi thích hỏi tại sao nhưng không phải triết gia
Tôi thích nghiên cứu tâm lý nhưng không phải chuyên gia tâm lý
Thích hiểu gốc thế giới nhưng không phải nhà sử học
Tôi thích động vật nhưng không bao giờ đến sở thú.
Tôi là nhà thám hiểm nhưng không bao giờ đi du lịch.
Tôi là Cao Minh
… và ” Sách tâm lý học mãi mãi chỉ có một phân loại: Nhập môn.”

Với Tôi, sách là để đón nhận tương giao, nhận thức về sự hữu hạn được mở rộng trong cái vô hạn. “Mơ thì cũng có năm bảy đường mơ, cần độ cảm – hiểu nhiều hơn phân tích”. Quyển sách này như chạm tới một Lát cắt nhỏ về giấc mơ mà thôi (được phản ánh qua đôi mắt của một người nghiên cứu phân tâm học). Đây là vấn đề chúng ta buộc phải đối mặt: không có cách nào hạn chế tư duy của chúng ta, cũng như hiểu triệt để giấc mơ là bất khả thi.

*** Những ý ghi chú có tính chất tổng hợp, không theo trật tự của sách

Ngày xưa, người ta nhìn nhận giấc mơ như một dự báo hoặc là sự ám thị, phản ứng cơ thể.

 Signmud Freud trong cuốn giải mã giấc mơ đã nhắc tới lý thuyết về bộ ba tâm trí “Cái nó – Cái siêu tôi – Cái tôi” hay “Bản năng – siêu ngã – bản ngã”

Cái nó – ham muốn nguyên thủy, không phân biệt tốt xấu, cái nó theo đuổi niềm vui thuần túy, lấy nguyên tắc niềm vui làm mục đích.

Cái siêu tôi – một loại ý thức tuyệt đối phục tùng quy tắc tập thể vô điều kiện, không ngừng yêu cầu bạn làm theo sự phán xét của xã hội

Cái tôi – mục đích tồn tại của cái tôi chính là tiến hành chọn lọc sau khi đánh giá đề nghị của cái nó và cái siêu tôi, đưa ra cái mác hợp lý hóa cho hành vi, cân nhắc thiệt hơn.

Bộ 3 tâm trí trên chính là bộ khung chính của tiềm thức

Tiềm thức là tiến trình,  không có trạng thái cố định, nó không ngừng va đập với ý thức, trao đổi thông tin với ý thức, hơn nữa không ngừng thay đổi vị trí với ý thức, tiềm thức có thể trở thành ý thức, cũng có thể quay trở lại tầng tiềm thức. Tiềm thức không phải là ký ức tầng sâu. Ký ức tầng sâu giống như bộ phim lưu trữ trong máy tính, còn tiềm thức như một trong những trình phát đa phương tiện.Tiềm thức dẫn dắt hành vi và bị ức chế bởi thứ đã tạo ra nó: cái nó – cái siêu tôi – cái tôi. Ức chế là một phương án giải quyết tạm thời để hòa hợp xã hội, trong điều kiện này, giấc mơ đóng vai trò giải tỏa cảm xúc. Hai tầng hàm nghĩa: nội dung biểu hiện và nội dung tiềm ẩn.

Hồi hải mã – lưu trữ ký ức – ổ cứng chứa chất liệu, đặc biệt nhận biết thời thơ ấu đã trở thành ấn tượng, gây chấn động mạnh với ký ức, bị vùi lấp.

Mục đích của giấc mơ đang được khẳng định trong sách này: giải phóng

***Giấc mơ thứ nhất – Giấc mơ vụn vỡ – phương thức thúc đẩy linh hoạt

Phương pháp tổng hợp tài nguyên hết sức cô đọng, tài tình, chuyển cảnh đa dạng, mới mẻ, ngụy trang nhiều lớp. Dùng nhiều màn kịch hư ảo để chuyển đổi trọng tâm, che giấu nguyện vọng nguyên thủy chôn sâu bên dưới hòng vượt mặt cơ chế kiểm duyệt.

Ý thức sinh đôi (thương – giận, yêu – hận, cảm xúc tranh đấu)

Lúc đầu, giấc mơ cân nhắc sơ lược mối quan hệ tồn tại giữa các đoạn ngắn – sinh ra liên kết logic có tính liên tục – như 1 họa sĩ vẽ triết gia thi nhân cùng nhau trong 1 không gian nhưng thực tế thì không, nhìn về tư tưởng thì họ thuộc về một điểm. Bất cứ khi nào giấc mơ đặt 2 nguyên tố sát nhau thì chắc chắn tồn tại mối quan hệ đặc thù giữa hai ham muốn nguyên thủy, như gọi tên 1 từ thì từ thứ 2 sẽ xuất hiện song song, quan hệ tương đồng, ý thức sinh đôi tồn tại trong thời gian rất ngắn, hai ý thức tồn tại trong giấc mơ lâu vì tình cảm là một sự thật người ta không thể kiểm soát được, con người không thể không có tình cảm. Thông qua giấc mơ nhìn thấy thế giới dưới mặt nước.

Bản thân hỗn loạn cũng đại diện cho nguyện vọng nguyên thủy của giấc mơ. Tính vụn vỡ chính là trạng thái nguyên thủy của giấc mơ.

Sự tiến hóa hay sự đi xuống làm cho phức tạp hóa giấc mơ, hoàn toàn không còn giống giấc mơ của thuở ban đầu nguyên thủy nữa (thuở vàng son).

Biểu tượng

Đa số tượng trưng trong giấc mơ không có quy tắc chung, không thể rập khuôn máy móc, không có tính kiểu mẫu. Freud từng nhấn mạnh: tượng trưng trong mỗi giấc mơ đều có tính phổ biến nhất định nhưng không phải tuyệt đối. Giống như chữ Hán, một chữ nghĩ khác, kết hợp vào câu có ý nghĩa khác, đôi khi trái ngược… (người tình – tình người). Tượng trưng tình dục liên quan đến các nhân tố nhân văn như văn hóa, ngôn ngữ, hoàn cảnh, những giấc mơ liên quan đến tình dục trông có vẻ như ham muốn tình dục nhưng không đại diện cho toàn bộ mà liên quan đến kết cấu xã hội, kế thừa văn hóa, tôn giáo lịch sử…, khác hẳn khái niệm lấy hình dáng trực quan làm tượng trưng trong một số trường hợp. Linh hoạt là số một.

Phức cảm Oedipus – có ý nghĩa tượng trưng hơn là ý nghĩa thực tế: phức cảm yêu mẹ – đại diện cho sự an toàn, yêu thương, gần gũi. Nguyện vọng trẻ em rất khó thỏa mãn. Trong mắt trẻ, bố là một chế độ, trật tự, và là người gần gũi với mẹ.

Trích đoạn Vua Oedipus: người được nhà tiên tri tiên đoán lớn lên làm chết vua cha Laius thành Thebes, lấy hoàng hậu Jocasta. Vừa sinh ra đã bị bỏ rơi, sau này lời tiên tri thành sự thật.

Phức cảm Oedipus nói rất nhiều tới tâm lý trẻ em – phần lớn chất liệu giấc mơ lấy từ ký ức, ấn tượng thời thơ ấu

***Giấc mơ thứ hai – câu chuyện hoàn chỉnh khi áp lực và sự đè nén gia tăng – ấn tượng sâu sắc

Tình cảm & lý trí trong mơ phức tạp hơn thực tế. Các vấn đề cảm xúc đã được sàng lọc qua tầng ý thức để đảm bảo cá thể trong trạng thái bình thường của xã hội.

Tình cảm

Khi giấc mơ đang tiến hành giải phóng, nếu nó lôi tất cả ký ức vụn vặt, lâu năm từ tiềm thức lên ý thức, e rằng không giải phóng được mà còn thêm mệt mỏi, vì vậy giấc mơ trăm phương nghìn kế duy trì trạng thái tư duy và ký ức ẩn giấu.

Tình cảm trong giấc mơ là những ký ức ẩn giấu – chôn sâu trong tiềm thức, tính phổ biến của hiện tượng ký ức bị chôn sâu vì ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảm xúc từ lâu đã là sự thật không cần tranh cãi. Dù ham muốn nguyên thủy thế nào thì giấy mơ đều sẽ biến nó thành thứ chúng ta có thể chấp nhận được (bảo vệ giấc ngủ), nhưng vì cảm xúc mạnh, tuy chẳng thể bùng lên trong mơ nhưng tiềm thức có thể ảnh hưởng sau khi tỉnh dậy dù không biết vì sao. Những tình cảm, cảm xúc trong giấc mơ bị ẩn giấu rất kỹ, một số được phát lên, đồng thời đảm bảo sau khi tỉnh dậy không khuấy đảo ký ức đã chìm vào tiềm thức lên nữa. Bởi vậy rất nhiều căn nguyên ảnh hưởng tới tư duy, hành vi, nhận thức, khái niệm vẫn ở dưới mặt nước, nguyên nhân tình cảm trong mơ bị che giấu. Tình cảm trong mơ có sự ngụy trang, đôi khi có đem theo ít nhiều cảm xúc cá nhân trong ý thức hoặc tiềm thức.

Lý trí trong mơ

Có tính chất định sẵn quan hệ nhân quả không cần giải thích, tuy chuyên quyền nhưng hợp lý và chính xác, bởi mơ là sự trình bày ấn tượng cá nhân rất “cái tôi”, có tính chất bí mật đời tư, bao hàm chất liệu cô đọng – đủ ngụy trang vượt qua cơ chế kiểm duyệt (không quan tâm vấn đề kết quả và định nghĩa được đưa ra trong mơ, tùy theo nguyện vọng nguyên thủy của giấc mơ mà cảnh tượng nhạy cảm cá biệt có được thông qua hay không). Logic của giấc mơ hợp lý hay không hoàn toàn phụ thuộc vào góc nhìn của chính ta, bởi giấc mơ đã giấu kín nhiều nguyện vọng nguyên thủy để thoát khỏi cơ chế kiểm duyệt.

Tuy giấc mơ là quá trình giải tỏa nhưng không hể lôi kéo mọi thứ dưới nước ra khoe, nó đã vượt ra khỏi giấc mơ do hoạt động phản ứng cơ thể.

Giấc mơ nâng cấp: đặc trưng là được thiết lập từ đầu về tình tiết, hướng đi, phức tạp, nguyện vọng che dấu sâu hơn, hãy nhìn ở 3 khía cạnh thời gian.

2 nhân tố lớn để phần nào hiểu lý do hình thành giấc mơ này:
Thứ nhất, áp lực cần phải giải phóng trong tiềm thức cực kỳ bức thiết, được định trước là nguyện vọng nguyên thủy duy nhất của giấc mơ, không phải sàng lòng trước – không cạnh tranh.
Thứ hai, cần phải xây dựng thiết lập chặt chẽ – tỉ mỉ do gặp lực cản lớn từ tầng ý thức (khác với cơ chế kiểm duyệt của tiềm thức, nó là cơ chế kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn của ý thức).

Vì thế câu chuyện mạch lạc, chặt chẽ, logic, mở đầu kết thúc liên kết nhau, không chút mâu thuẫn. Cần biên kịch & đạo diễn giỏi cùng lúc, đổi cảnh & đổi hướng đi cốt lõi tới thẳng nguyện vọng nguyên thủy của giấc mơ – giải phóng mọi ấn tượng méo mó trong tiềm thức.

Về cơ bản, quá trình biên tập và tổ hợp công việc tiền kỳ đã chuẩn bị xong trước khi chúng nổi lên tầng ý thức thông qua giấc mơ (để nguyện vọng nguyên thủy vượt cơ chế kiểm duyệt – một đối tượng có tham gia trong quá trình biên tập – dấu hiệu nhận biết: độ tự nhiên của giấc mơ mượt mà – vậy nó đóng vai trò là hỗ trợ giấc mơ vượt kiểm duyệt). Nếu giải phóng qua tiềm thức, tầng ý thức sẽ bớt nhiều rắc rối, trằn trọc, u uất.

***Giấc mơ thứ 3 – sự bảo vệ, cắt đứt cưỡng chế – người mơ thức dậy

3 nhà phân tâm học “thứ dữ”

Carl Jung

“Tính cách quyết định vận mệnh” hay “Ý thức cá nhân và vô thức cá nhân quyết định vận mệnh của mỗi người”

“Ý thức tập thể,  vô thức tập thể ảnh hưởng tới vận mệnh của tập thể (loài người)”

Jung không đồng tình với lý thuyết động lực tính dục của Freud. Tinh thần bắt nguồn từ linh hồn, linh hồn này không thống nhất trên toàn nhân loại mà liên quan mật thiết tới hoàn cảnh sống, chủng tộc, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử của cá nhân.

Lý thuyết của Jung có khuynh hướng chủ nghĩa thần bí hơn, một số quan điểm mới mẻ, đầy màu sắc của chủ nghĩa lãng mạn.

Jung không đồng ý với tính độc lập của cái siêu tôi, ông cho rằng đó là một loại tâm hồn khách thể tiến vào trong cái tôi.

Vô thức tập thể là bộ phận cốt lõi nhất trong lý thuyết của Jung (kết luận của Jung hoàn toàn khác của Freud). Vô thức tập thể chính là sự tích lũy kinh nghiệm tâp thể trong tiến trình lịch sử của con người. Ông cho rằng nó giống như mỗi người đều có ký ức của mình, tiềm thức của mình vậy, cả xã hội loài người tồn tại một ký ức tập thể, ý thức tập thể, thậm chí vô thức tập thể. Cần tách vô thức tập thể ra khỏi bất cứ thứ gì liên quan tới cá nhân (tầng tinh thần), vì nó hoàn toàn khác với vô thức cá nhân.

***Đến đoạn này thì tác giả thừa nhận sự lẩn quẩn vì không thể giải thích rõ ràng hơn. Riêng Tôi thì cực thích nhận định này của Jung.

Ngoài ra, Jung còn có 2 luận điểm, Lý thuyết nguyên mẫu và Cái tôi thứ hai (tính nam trong linh hồn nữ & tính nữ trong linh hồn nam)

Nguyên mẫu

là khuynh hướng bẩm sinh của những cách thức riêng biệt mà con người trải nghiệm thế giới, bản thân nó không có hình thức, nhưng biểu hiện của nó có nguyên lý tổ chức như cái chúng ta thấy, chúng ta làm.

Ví dụ: Bé khóc vì đói nhưng lại không biết mình muốn gì -> nghĩa là mục tiêu khao khát không rõ ràng. Nếu có sữa thì bé sẽ thỏa mãn, lần sau khi đói, bé tự nhiên nghĩ tới sữa -> mục tiêu khao khát một thứ riêng biệt. Lúc này: từ “nguyên mẫu” đổi sang “phức cảm” (khác với lý thuyết tính dục của Freud).

Mở rộng: đa số chúng ta xem bố/ mẹ là nguyên mẫu người khác giới (chuyển đổi từ hình tượng không có thật), nhưng nguyên mẫu  người khác giới của mỗi người lại khác nhau. Nghĩa là, tuy chúng ta sở hữu một loại vô thức tập thể chung nhưng tiềm thức tập thể này vẫn có sự khác biệt theo cá thể.

Sắm vai

Jung nói một phần trong nhân cách con người là vai trò nam tính hoặc nữ tính mà chúng ta buộc phải sắm vai. Đồng quan điểm với Freud là chúng ta sinh ra đã có hai giới tính. Khi lớn, ảnh hưởng xã hội, kỳ vọng riêng tạo dựng ra một người đàn ông hay người phụ nữ. Những kỳ vọng này tạo ra nam/ nữ theo truyền thống, nhưng chỉ có thể bồi dưỡng một nửa tiềm năng của mình.

Một nửa còn lại

Khía cạnh nữ tính vô thức trong lòng đàn ông (anima), đó là thứ vừa không biểu hiện cũng không biến mất trên họ, nó luôn tồn tại bên trong và có tác dụng khiến anh ta nữ tính hóa. Hóa thân của xu thế tâm lý phụ nữ trong tâm hồn đàn ông như tình cảm, cảm xúc mơ hồ, dự cảm, dễ chấp nhận những thứ phi lý tính, cảm giác với tự nhiên… Anima tồn tại trong tiềm thức đàn ông, mới khiến chúng ta sinh ra phản ứng tâm lý hoặc sinh lý tự nhiên khi tiếp xúc với phụ nữ (chưa có kết luận, Jung ví anima như một vị nữ thần hoặc là một yêu nữ, đủ hình dáng mê hoặc con người, gọi dậy ảo giác hạnh phúc & bất hạnh, niềm vui sướng điên cuồng của u buồn & tình yêu)

Khía cạnh nam tính vô thức trong lòng phụ nữ (animus), đại diện 2 mặt chính tương phản: phản diện là hung thủ  – thần chết, chính diện là yêu công việc – dũng khí – chân thành. Animus đại diện cho sự sâu sắc trong tinh thần, thông qua đó phụ nữ tìm được hướng đi của mình để đạt một thái độ tinh thần mạnh mẽ trong cuộc sống.

Anima và Anumus tồn tại trong tim mỗi người, luôn ảnh hưởng tới chúng ta, lý do chúng ta có những lời nói, hành động trái ngược với tư tưởng, cảm giác thực sự của mình (khi đứng ở mặt đối lập để nhìn nhận sự việc).

Về giấc mơ được cô bé 10 tuổi vẽ lại, Jung cho rằng tư tưởng của những giấc mơ mang khái niệm triết học,: cái chết, phục sinh, chuộc tội, sự ra đời của con người và tính tương đối của giá trị đạo đức, tôn giáo, tiến hóa… Một cô bé sao có thể nghĩ và sao có thể hiểu được những điều này, Jung cho rằng cô bé hiểu được vì suy ngẫm của đời đời tổ tiên di truyền lại thông qua “tính nguyên mẫu”. Cô bé nghĩ đến điều này vì có thể cô bé sắp chết. Lúc đó, cô bé không bị bệnh nhưng sau đó, cô bé đã qua đời vì bệnh truyền nhiễm.

Vậy, giải mã theo Jung – vô thức tập thể – linh hồn của (con người) nguyên thủy. Những người nguyên thủy xuất hiện qua các hình tượng khác nhau trong mơ, do những tư duy nguyên thủy này có kinh nghiệm sống mấy trăm mấy nghìn đời, nên trí tuệ và trực giác của tư duy nguyên thủy vượt xa tư tưởng trong ý thức của chúng ta. Người nguyên thủy trong linh hồn chúng ta dung giấc mơ để biểu hiện bản thân, đồng thời mượn giấc mơ để biểu đạt bản thân.

Adler

Hoàn toàn khác Freud – Âu Mỹ ủng hộ

“Mỗi giấc mơ đều là sự tự say sưa, tự thôi miên”

“Về cơ bản, mọi giấc mơ đều không thể giải thích dễ dàng. Trên thực tế, chỉ có một số rất ít giấc mơ có thể giải thích được”. Ông không thích giải thích giấc mơ.

Xây dựng lý thuyết hoàn toàn khác Freud, khái niệm chủ yếu là cái tôi sáng tạo (biến ký ức không rõ ràng thành kinh nghiệm có giá trị, hình thành lối sống độc đáo – nhất quán – ổn định), lối sống, mục đích tưởng tượng, hướng tới sự hoàn thiện, mặc cảm thấp kém (hướng tới sự ham muốn để hoàn thiện), bù đắp thiếu hụt và hứng thú xã hội (đặc tính bẩm sinh, cống hiến xã hội)…

Adler chỉ ra, mục đích nằm mơ là đạt được chỉ dẫn về tương lai và phương pháp giải quyết vấn đề (thỏa mãn nguyện vọng), người mơ học cách đối mặt với vấn đề thực tế của mình.

Jacques Lacan

Xem tác phẩm Giải Mã giấc mơ của Freud là tinh túy của phân tâm học

Lacan cho rằng, tiềm thức là nguồn gốc của tất cả, mọi cảm nhận bắt nguồn từ tiềm thức, vì vậy nếu giấc mơ là sự giải phóng của tiềm thức, giấc mơ có thật, còn thế giới của chúng ta là hư ảo. Vậy ta dùng cái hư ảo để giãi mã cái có thật như thế nào?

Tiềm thức thuộc về ngôn ngữ tự nhiên. Lacan cho rằng thời kỳ nhũ nhi, con người chúng ta chỉ tồn tại dưới hình thức của tấm gương – mô phỏng, không có khái niệm rõ ràng về tôi và cái tôi, lúc nãy, tôi là ảo ảnh. Tôi là tồn tại hư ảo, là vật hình thành ngoại tại của tiềm thức (lý thuyết vũ trụ toàn ảnh của vật lý). Lacan cho rằng cái tôi không thể thay thế tiềm thức, tiềm thức là cốt lõi của tất cả (ý thức). Đảo vị trí bộ ba tâm trí, tiềm thức mới là nền tảng. Ông hứng thú với hành vi dẫn đến tiềm thức – liên tưởng tự nhiên, đồng thời coi trọng kết cấu ngôn ngữ mà liên tưởng tự nhiên biểu đạt. Liên tưởng này biến đổi thất thường, giống như từ điển, một từ có thể dẫn đến một từ khác, mà không bao giờ dẫn tới thứ từ đó chỉ. Một sự hỗn độn. Lacan cho rằng sau khi trưởng thành, mỗi người đã thông qua cái tôi, cố định và ổn định những năng lượng tới từ thế giới khác thành cái tôi, đồng thời tiến hành thống nhất mối quan hệ giữa cơ thể và cái tôi. 3 giai đoạn phát triển: thế giới thực tồn, thế giới tưởng tượng (từ 18 tháng tuổi – thời điểm tiến vào kết cấu của bản thân ngôn ngữ – nếu thế giới của bạn đủ đầy thì bạn không cần ngôn ngữ), thế giới biểu trưng.

Thế giới tượng trưng bị ngôn ngữ dẫn dắt, nó có trật tự, là kết cấu của bản thân ngôn ngữ, chúng ta buộc phải vào thế giới tượng trưng mới có thể trở thành chủ thể của biểu đạt, mới có thể dung “tôi” để chỉ chính mình.

Giấc mơ cuối cùng của tác giả thay cho hậu ký

Biển – có ý nghĩa đối với tác giả và tôi

Giấc mơ kéo dài với đầy các yếu tố tự nhiên và âm thanh như ngày tận thế

Cuối cùng, tác giả giang hai cánh tay, tăng tốc bay về nơi xa nhất – về phía ngôi sao sáng nhất cuối chân trời.

 (còn tiếp)