
Có giai đoạn Tôi quan tâm nhiều đến Kafka. Không phải vì Tôi quá yêu thích tác phẩm của Ông. Tôi vốn là kẻ hay chọn lọc vì tính lười của bản thân, nếu Tôi có đọc nhiều là bởi vì Tôi tò mò chứ không phải vì Tôi giống con mọt sách. Tôi lại không phải người thuộc về những trào lưu. Tôi vô tình gặp Ông khi đang cố gắng mô tả những tình huống Tôi không diễn dịch được, cứ như Ông tới gặp Tôi trước khi văn chương của Ông được mọi người hồ hởi chia sẻ ở Việt Nam sau đó vài năm. Khi đám đông đã chuyển sang sự chú ý khác, Tôi vẫn ngồi chia sẻ khoảng lặng còn sót lại cùng Ông; thưởng thức sự bức bối, phá kén và thoát xác của Ông (*).
(*) Lấy cảm hứng từ quyển Hóa Thân của Franz Kafka.
Tôi khá phục khi Ông mô tả được thứ nhìn nhận của tâm trí mà Tôi không thể diễn giải được. Có những lúc Tôi thấy mọi người không còn hiểu ngôn ngữ Tôi đang dùng nữa. Tôi ngờ rằng Tôi khá chuyên nghiệp khi dùng đủ loại ngôn từ diễn giải ý nghĩ đang chạy trong tâm trí Tôi thật rõ ràng, hàm súc. Thế nhưng, chỉ cần số lượng ý vượt quá chỉ tiêu của người đối diện, họ không còn lắng nghe được nữa. Lúc đó Tôi chỉ còn khoảng không cô tịch. Tôi có thể lựa chọn rời đi hoặc sống với khoảng không vô định của Tôi trong khi họ vẫn ngồi ở đó với hai lỗ tai được bịt chặt, họ bắt đầu chất vấn bằng vô số câu hỏi để bù đắp vào khoảng trống vắng lặng đó. Nhờ vậy, Tôi ngày càng có thêm thời gian để rèn luyện sự Tĩnh lặng chăng?
- Frederick R. Karl – người nghiên cứu tiểu sử của Kafka nói về thuật ngữ này: “Một thế giới siêu thực mà trong đó tất cả các kế hoạch của bạn, toàn bộ cách bạn điều khiển hành vi của mình, bắt đầu tan vỡ ra thành từng mảnh khi bạn thấy mình chống lại một thế lực không hề hoạt động theo cách bạn nghĩ. Bạn không từ bỏ, bạn không nằm xuống chờ chết. Bạn đã đấu tranh bằng mọi thứ mình có. Nhưng tất nhiên, bạn không có lấy một cơ hội nào. Đó là Kafkaesque.” (Tôi lấy trích đoạn này từ nguồn trên internet).
Tâm trí Con người thật sự rất mạnh mẽ, nó đưa ra rất nhiều trải nghiệm vượt khỏi khả năng của hiểu biết hữu hạn của họ, nó đưa ra rất nhiều nội dung đến nỗi Con người phải dùng cả quyển tiểu thuyết rút từ tim óc của người khác để mô tả chính xác cảm nhận tức thời của mình. Cảm nhận văn chương của Kafka cũng là một sự nhẫn nại yêu thương, để khi nghe mỗi thuật ngữ Kafkaesque mà cũng có thể thỏa mãn khi có người đã mô tả sự phức tạp của tâm trí đưa đến một đời sống bó buộc. Có như vậy mới thấy muốn thấu hiểu bản thân là một nhu cầu thiết yếu, nhu cầu sinh tồn của con người – những linh hồn luôn muốn biết rõ về chính mình. Trước khi biết rõ về chính mình, linh hồn ấy phải nỗ lực phá bỏ những lớp kén mỏng nhất bó chặt gây cảm giác ảo tưởng an toàn, nếu không thể phá vỡ lớp kén ấy thì con người đành chọn cách ngủ yên mãi mãi giữa cuộc sống tưởng chừng như rất sống động này.
Đôi lúc may mắn gặp được một vài người có thể chia sẻ điều này trong cuộc sống, đôi lúc chỉ tìm được từ những trang sách đã qua và sắp bị quên lãng. Tôi đã quên hết những gì Ông ấy viết, nhưng khi nghe nhắc đến Ông, Tôi ngờ rằng Tôi đã từng biết Ông ấy và yêu mến những khao khát đẹp đẽ chính đáng của một linh hồn thấy được những điều hiển nhiên mà người ta cho rằng đó là ảo tưởng.

” You can hold yourself back from the sufferings of the world, that is something you are free to do, and it accords with your nature, but perhaps this very holding back is the one suffering you could avoid.
You do not need to leave your room. Remain sitting at your table and listen. Do not even listen, simply wait, be quiet, still and solitary. The world will freely offer itself to you to be unmasked, it has no choice, it will roll in ecstasy at your feet. “
27/5/2023